Ngày đăng bài: 25/11/2020 10:02
Lượt xem: 4668
Lễ ra mắt sách và tọa đàm khoa học “Văn hóa và văn học Việt Nam từ những góc nhìn”
Chào mừng ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 và 45 năm thành lập Khoa Ngữ văn, ngày 19/11/2020, tại Thư viện Trường ĐHSP Hà Nội 2, Khoa Ngữ văn đã phối hợp với Thư viện tổ chức Lễ ra mắt sách và tọa đàm khoa học Văn hóa và văn học Việt Nam từ những góc nhìn. Đến dự buổi Lễ có các thầy cô khoa Ngữ văn, Thư viện và đông đảo bạn đọc, người yêu thích Văn học.
 
Chủ trì Lễ ra mắt sách và tọa đàm có: PGS,TS Bùi Minh Đức - Trưởng khoa Ngữ văn và ThS, CVC Trần Tuấn Hà - Chủ nhiệm Thư viện.

Toàn cảnh Lễ ra mắt sách và tọa đàm khoa học Văn hóa và văn học Việt Nam từ những góc nhìn
 
Phát biểu khai mạc, PGS, TS Bùi Minh Đức - Trưởng khoa Ngữ văn chia sẻ, trong những năm qua, Khoa Ngữ văn và Thư viện Trường ĐHSP Hà Nội 2 đã có những kết nối chặt chẽ, tạo ra những hoạt động ý nghĩa, nhận được hàng nghìn cuốn sách hay phục vụ việc học tập, giảng dạy, nghiên cứu, góp phần lan tỏa văn hóa đọc trong sinh viên và bạn trẻ. Phát huy truyền thống, miệt mài nghiên cứu khoa học cùng những nỗ lực không ngừng nghỉ, các thầy cô tổ bộ môn Văn học Việt Nam, khoa Ngữ văn, Trường ĐHSP Hà Nội 2 trong thời gian qua đã biên soạn và cho ra mắt cuốn sách “Văn hóa và văn học Việt Nam từ những góc nhìn”. Đây chính là tâm huyết của nhiều thế hệ thầy cô trong giảng dạy và nghiên cứu Văn học Việt Nam. Một món quà nhiều ý nghĩa nhân dịp Khoa Ngữ văn, Trường ĐHSP Hà Nội 2 kỷ niệm 45 năm thành lập.
PGS, TS Bùi Minh Đức - Trưởng khoa Ngữ văn phát biểu khai mạc
 
Trong phần giới thiệu sách, TS Nguyễn Thị Tính - Trưởng Bộ môn Văn học Việt Nam cho biết: Cuốn sách Văn hóa và văn học Việt Nam từ những góc nhìn có 329 trang, khổ 16x24cm, NXB KHXH, ISBN 987-604-956-726-1. Cuốn sách tập hợp, chọn lọc các bài nghiên cứu của các giảng viên đã đang công tác tại bộ môn Văn học Việt Nam từ năm 1975 đến nay. Cuốn sách được nhiều nhà nghiên cứu đánh giá cao: Các bài nghiên cứu đăng tải trong cuốn sách cho thấy “những bước tiến “thần kì” về nguồn nhân lực, và đương nhiên cũng là ngọn nguồn để sinh thành hàng chục, hàng trăm công trình nghiên cứu khoa học, từ các luận văn, luận án đến các chuyên luận và tiểu luận khoa học, vượt qua không gian văn hóa... Xuân Hòa, để đến với/thông qua các tạp chí khoa học danh tiếng, các hội thảo khoa học quốc gia và quốc tế, cung cấp cho bạn đọc xa gần những tri thức khoa học cập nhật, mới mẻ, những phát hiện thú vị và không kém phần hấp dẫn về văn hóa, văn học, văn chương trong, ngoài nước Việt” (GS,TS Bùi Quang Thanh). 
TS Nguyễn Thị Tính - Trưởng Bộ môn Văn học Việt Nam tặng cuốn “Văn hóa và văn học Việt Nam” từ những góc nhìn cho đại diện Thư viện
 
Tại buổi Lễ, các đại biểu được nghe các báo cáo: “Hiện tượng diễn hóa mô típ trong truyện cổ tích” -TS Nguyễn Thị Ngọc Lan; “Về một kiểu nhà nho hành đạo Việt Nam giai đoạn nửa cuối thế kỷ XIX” - ThS Lê Thị Hải Yến; “Dấu ấn toàn cầu hóa trong ngôn từ văn xuôi Việt Nam đương đại” - TS Nguyễn Thị Tuyết Minh.
TS Nguyễn Thị Ngọc Lan trình bày báo cáo

ThS Lê Thị Hải Yến trình bày báo cáo

TS Nguyễn Thị Tuyết Minh trình bày báo cáo
 
Phần tọa đàm, các đại biểu đã trao đổi, thảo luận nhiều ý kiến chuẩn bị cho sự ra mắt tiếp theo của những cuốn sách, tác phẩm nghiên cứu của các giảng viên và nhà nghiên cứu trong thời gian tới cùng những hoạt động nhiều ý nghĩa nhằm lan tỏa văn hóa đọc sách, khơi gợi tình yêu sách và nghiên cứu khoa học trong sinh viên và các bạn trẻ.
PGS, TS Bùi Minh Đức thay mặt Khoa Ngữ văn gửi tặng Thư viện bộ sách

Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm cùng Ban tổ chức
 
Trong buổi Lễ, PGS, TS Bùi Minh Đức thay mặt Khoa Ngữ văn gửi tặng Thư viện bộ sách gồm nhiều cuốn: “Đọc hiểu mở rộng văn bản Ngữ văn 6”, “Đọc hiểu mở rộng văn bản Ngữ văn 9”, “Đọc hiểu mở rộng văn bản Ngữ văn 10, “Đọc hiểu mở rộng văn bản Ngữ văn 12”. Đây là những cuốn sách hỗ trợ cho học sinh, sinh viên, giáo viên, giảng viên trong quá trình học tập và giảng dạy chương trình Sách giáo khoa phổ thông 2018.
 
Phòng CTCT-HSSV