CON ĐƯỜNG GIẢI MÃ VĂN HỌC VIỆT NAM TRUNG ĐẠI
TG: Nguyễn Đăng Na
Theo dòng thời gian, sự phát triển của nền văn học Việt Nam gắn liền với những thăng trầm lịch sử. Mỗi giai đoạn lịch sử đều có những điểm đặc thù, được phản ánh rõ nét, sinh động qua các tác phẩm văn học nghệ thuật, và giá trị to lớn của văn học trung đại đối với quá trình hình thành và phát triển của nền văn học Việt Nam là điều không thể phủ nhận.
Văn học trung đại Việt Nam là sự kết tinh những gì tinh túy nhất, tài hoa nhất của dân tộc ta trong ngàn năm lịch sử đấu tranh, sáng tạo và không ngừng vươn lên. Văn học trung đại Việt Nam có hình thức biểu trưng khá riêng biệt; chúng như những mã khóa, nếu chưa nắm bắt được, sẽ chẳng có cách nào thâm nhập văn bản, mà đã không thâm nhập được vào văn bản thì nói gì đến việc hiểu giá trị của tác phẩm. Cho nên, cuốn “Con đường giải mã văn học trung đại Việt Nam” của PGS.TS. Nguyễn Đăng Na sẽ giúp bạn đọc tìm được một con đường tiếp cận thích hợp cho riêng mình để có thể nắm bắt bản chất và quy luật của văn học trung đại.
Cuốn CON ĐƯỜNG GIẢI MÃ VĂN HỌC TRUNG ĐẠI VIỆT NAM là công trình tập hợp những kết quả nghiên cứu của PGS.TS. Nguyễn Đăng Na về một số tác phẩm, tác giả, hiện tượng… quan trọng trong nền văn học trung đại Việt Nam.
Trong cuốn sách này, qua việc khảo sát những tác phẩm văn học cụ thể, tác giả đưa ra một số tín hiệu đặc trưng mang tính chất như những mã khoá, trên cơ sở đó, tiến hành những thao tác tháo gỡ để hình thành một con đường gọi là giải mã văn học trung đại Việt Nam. Với tinh thần ấy, cuốn sách của tác giả không mang tính chất một công trình lí thuyết, mà từ thực hành nghiên cứu, rút ra những vấn đề lí thuyết về giải mã văn bản, nghĩa là, đi theo quy trình có vẻ ngược với một số lí luận gia trước đây: xuất phát từ thực tiễn của chính bản thân văn học trung đại Việt Nam tổng kết thành lí luận.
Nội dung chính của cuốn sách được chia làm 2 phần chính:
Phần 1: Những mã khóa phát triển của văn học trung đại Việt Nam qua một số tác phẩm;
Phần 2: Con đường phát triển của văn học trung đại Việt Nam và hướng sưu tầm, nghiên cứu.
Xin trân trọng kính mời bạn đọc tham khảo tài liệu tại Thư viện trường ĐHSP Hà Nội 2.
Kho đọc(2): 101020422-3
|
Kho Mượn(3): 103050582-4
|