Ngày đăng bài: 08/05/2019 09:59
Lượt xem: 3348
RỪNG NA UY

RỪNG NA UY: SỰ KHÁC BIỆT, NỖI CÔ ĐƠN VÀ CÁI CHẾT

Haruki, Murakami

Khi những nốt dạo đầu tiên của ca khúc “Norwegian wood” cất lên bằng đàn sitar, tôi luôn có cảm giác âm thanh ấy giống như những dòng chảy vô hình vặn xoắn vào nhau và đi xuyên qua đầu tôi (một cách hoàn toàn vật lý) từ bên trái sang bên phải. Cảm giác thuần túy vật lý ấy có ý nghĩa gì về mặt tinh thần hay không, tôi không biết chắc, nhưng nó luôn khiến tôi nghĩ về một thứ: tình đầu.
“Rừng Na Uy” ngay từ khởi điểm của nó đã là một hiểu lầm kỳ lạ về ngôn ngữ. Chuyện tình một đêm mà John Lennon ví như thứ gỗ hạng hai, trong một thoáng chuyển ngữ lại bất giác gợi đến bóng dáng của những cánh rừng u tối trở đi trở lại trong câu chuyện của Murakami. Nhưng điều đó không ngăn được thứ xúc cảm mãnh liệt mà cả hai đều dẫn tới, những hoài niệm day dứt về một tuổi trẻ khờ dại tuyệt đẹp. Đọc “Rừng Na Uy” hay nghe “Norwegian wood”, những tháng năm ấy nhất định sẽ trở về vây lấy mỗi chúng ta, những yêu thương, những căm hận, những hi sinh, những lầm lỗi. Đôi lúc tất cả dồn tụ lại trong một cái đau nhói lên từ dạ dày, hoàn toàn vật lý như những nốt nhạc của đàn sitar, rồi tan biến mất như chưa từng ở đó, giống như tuổi thanh xuân, có cả hơi ấm và sức nặng, tưởng chừng có thể cầm nắm, hít ngửi, nhưng khi đã vụt đi thì lại mơ hồ đến ngỡ ngàng.

Nhưng “Rừng Na Uy” cũng mang đến điều khiến mỗi con người lớn lên, một thứ triết lý đau đớn (hay hiển nhiên) về cuộc sống. Haruki Murakami viết về rất nhiều những con người “không bình thường” trong cuốn tiểu thuyết của mình: một chàng trai tự tử vào ngày sinh nhật của mình, một cô giáo dạy đàn bị liệt ngón tay và bị học trò nữ dụ dỗ quan hệ đồng giới, một tiểu thư danh giá thất vọng vì mối tình với gã bạn trai lang chạ rồi bỏ ra nước ngoài, hay một cô gái đánh mất khả năng chia sẻ và kết nối với người khác. Họ, tất thảy đều cô độc đến khắc khoải trong sự khác thường của mình và sau cùng, bằng cách này hay cách khác, thành công hay thất bại, đều tìm đến cái chết như một sự giải thoát. Sự khác biệt, nỗi cô đơn và cái chết cùng lúc được khắc họa như một thứ thuộc tính cố hữu của con người. Nhưng phải chăng, chính vì thế, bên dưới bề mặt của thứ văn chương đằng đẵng ám ảnh này, là hi vọng vào một thế giới mà ở đó, loài người tự ý thức được cái thuộc tính ấy trong bản thân mình và chấp nhận nó nơi những cá thể khác. Tôi cứ có cảm giác mơ hồ rằng ngọn núi nơi Naoko và Reiko ở cùng với những bệnh nhân tâm thần, bằng một cách nào đó, lại chính là chốn “bình thường” nhất trong suốt thời tuổi trẻ đau đớn của Watanabe.

Nếu tôi là đạo diễn của phim điện ảnh “Rừng Na Uy”, tôi sẽ quay thật nhiều những cảnh quay với góc nhìn từ trên cao xuống: cánh đồng nơi Watanabe và Naoko dắt tay nhau đi dạo, căn phòng nơi họ làm tình trong ngày sinh nhật của Naoko, phòng trọ đầy mùi hoa anh đào như mùi thịt thối của Watanabe, sân thượng nhà Midori và đám cháy chiều hôm ấy, bách hóa ngày mưa và nụ hôn của Midori, và buồng điện thoại nơi Watanabe gọi cho Midori giữa những âm thanh náo động của cuộc đời. Sẽ còn nhiều, nhiều nữa, vì trong trí tưởng tượng của tôi, góc quay ấy hẳn sẽ lột tả được sự bé mọn của mỗi nhân vật trong cái toàn cảnh vừa bình thường, vừa kì dị của tác phẩm.

Tuổi trẻ dường như luôn đi kèm với sự cô độc. Ta tiếc nuối nó bao nhiêu thì cũng đau đớn vì nó bấy nhiêu, hay nói đúng hơn, ta tiếc nuối nó vì nó đã làm ta đau đớn. Thật khó để lý giải tại sao ta cứ thèm khát cái mạch nước vẫn ri rỉ trong ký ức đến nhường ấy, nhưng có một điều chắc chắn, “Rừng Na Uy”, và những cuốn sách năm ấy sẽ luôn chạm đến góc trái tim nơi nương náu tuổi thanh xuân của tôi.

Mời bạn tìm đọc sách tại Thư viện Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2

Phòng đọc Tổng hợp: Ký hiệu xếp giá: 895.63 H100R

BÀI CÙNG CHUYÊN MỤC