Ngày đăng bài: 14/11/2024 12:37
Lượt xem: 44
Bách khoa thư làng Việt cổ truyền

 

Cuốn sách Bách khoa thư làng Việt cổ truyền do tác giả PGS.TS. Bùi Xuân Đính biên soạn ra đời với mong muốn cung cấp thông tin, kiến thức cơ bản nhất về các khía cạnh đời sống cả vật chất lẫn tinh thần của làng Việt cổ truyền. Trong cuốn sách, tác giả giới thiệu các khía cạnh của làng Việt cổ truyền (địa bàn Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ) từ cách tiếp cận của một cuốn từ điển - bách khoa thư, thông qua các mục từ theo các chủ đề với tổng cộng 312 mục từ.

- Phần thứ nhất: Các mục từ chung về làng xã với 16 mục từ. Ở phần này, các khái niệm cơ bản về làng, các loại hình làng, xã, thôn được thể hiện thông qua các mục từ mang hàm lượng tri thức cao, có tính khái quát.

- Phần thứ hai: Các mục từ về kinh tế, văn hóa vật chất với 105 mục từ. Các mục từ ở phần này cho thấy văn hóa trồng cây lúa nước của người Việt và các hoạt động sản xuất, buôn bán… xoay quanh nó.

- Phần thứ ba: Các mục từ về cơ cấu tổ chức và quan hệ xã hội làng xã với 88 mục từ. Ở phần này, các mục từ thể hiện khá đầy đủ tổ chức, sinh hoạt và các mối quan hệ làng xã của người Việt cổ truyền như quan hệ hôn nhân, huyết thống, dòng tộc, quan hệ cộng đồng,…; các tổ chức, thiết chế của làng như chức quan, các loại hương ước, tục lệ, các hội phường,… từ xa xưa cho đến hiện nay.

- Phần thứ tư: Các mục từ về di tích, tín ngưỡng, lễ thức, phong tục, tập quán, lễ tiết với 80 mục từ, đưa ra các thông tin về hệ thống các di tích thờ cúng gắn với các lễ hội. Ngoài ra, còn có các phong tục, tập quán, tục lệ thờ cúng, kiêng kỵ,… của làng Việt thời xưa.

- Phần thứ năm: Các mục từ về văn hóa, văn nghệ, di văn Hán - Nôm với 23 mục từ. Phần này, các mục từ tập trung tái hiện những nét đặc sắc về văn hóa, văn nghệ và các di sản Hán - Nôm mang nét đặc trưng của làng xã cổ truyền Việt Nam.

Mỗi mục từ được tác giả làm rõ nguồn gốc xuất hiện hoặc bối cảnh ra đời, nội dung, bản chất của khía cạnh đời sống cùng sự biến đổi của khía cạnh đó theo thời gian. Bên cạnh nét chung, nhiều trường hợp khía cạnh được phản ánh, minh họa thêm bằng những ví dụ cụ thể từ các làng quê, giúp bạn đọc thấy được tính đa dạng, phong phú của làng Việt. Đặc biệt, tác giả chú trọng đến các yếu tố Dân tộc học/Nhân học, Văn hóa học khi giới thiệu các mặt đời sống mà các từ được phản ánh. Đây là điểm độc đáo, mới lạ và hấp dẫn của cuốn sách này so với các các công trình đã công bố.

Cuốn sách Bách khoa thư làng Việt cổ truyền là công trình mang tính toàn diện về làng Việt cổ truyền, tác giả đã đặt các yếu tố trong mối liên hệ qua lại, tác động lẫn nhau để làm rõ tính chung và những nét riêng của làng Việt và đời sống của làng. Đóng góp của cuốn sách là biến những kiến thức có phần khô khan đó thành những mục từ giúp cho người đọc dễ dàng tra cứu và học tập. Đây cũng là kênh tham khảo hữu ích cho các nhà nghiên cứu lịch sử, văn hóa, dân tộc học/nhân học,… và cũng là tài liệu tham khảo có giá trị đối với các nhà hoạch định chính sách nông nghiệp, nông thôn, các nhà nghiên cứu khoa học, các nghiên cứu sinh, học viên cao học, sinh viên và độc giả quan tâm đến làng xã Việt Nam.

Cuốn sách hiện có tại Thư viện trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2. Trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc!